tong-quan-ve-dieu-tri-bang-song-xung-kich

Tổng quan về điều trị bằng sóng xung kích

chuyên gia trị liệu

1. Khái niệm
Sóng xung kích là dạng sóng âm có áp lực biến đổi đột ngột, biên độ lớn và ngắt quãng. Sóng xung kích có dạng sóng đơn với xung áp lực dương là chính theo sau là phần sóng nhỏ dãn ra với một pha áp suất âm nhỏ hơn rất nhiều (bằng 10%) so với áp suất đỉnh. Như vậy khác với sóng siêu âm là các dao động tuần hoàn với độ rộng xung hạn chế thì sóng xung kích có biên độ áp suất rộng đặc biệt tạo thuận lợi cho sóng được hấp thu tốt hơn trong môi trường cơ thể.
Sóng xung kích có những đặc điểm sau:
- Biên độ áp suất dương cao: từ 10 đến 1000MPa.
- Biên độ áp suất âm thấp: từ 1 đến 10MPa
- Thời gian xung ngắn: từ 1µs đến 20µs
- Thời gian tăng áp suất dương rất ngắn: dưới 100ns.
- Dải tần số rộng: từ 1Hz đến 1MHz.
2. Lịch sử điều trị sóng xung kích
Sóng xung kích lần đầu tiên sử dụng trong y khoa là trong lĩnh vực ngoại khoa. Cuối những năm 60 ý tưởng sử dụng sóng xung kích phá vỡ các cấu trúc bên trong cơ thể như sỏi thận, sỏi mật từ bên ngoài cơ thể mà không tiếp xúc nảy sinh.Quy trình được xây dựng lần đầu tiên tại Đức bởi Domier năm 1970. Tháng 2 năm 1980 sỏi thận được nghiền nát thành công từ bên ngoài cơ thể bằng công nghệ sóng xung kích mà không phải phẫu thuật. Ý tưởng sử dụng sóng xung kích làm tan vôi hóa ở vai hay dính dây chằng được phát triển và thật bất ngờ các điều trị đều thành công. Điều này chứng minh một tác dụng mới của sóng xung kích trên mô sống, đó là sự khởi đầu của quá trình lành thương nhờ cải thiện quá trình biến dưỡng và gia tăng tuần hoàn. Năm 1988 thông báo đầu tiên sóng xung kích điều trị thành công chậm liền xương ở người, năm 1990 điều trị thành công viêm gân vôi hóa. Ngày nay, sóng xung kích được sử dụng để điều trị các rối loạn của hệ cơ xương khớp trong nhiều lĩnh vực như chấn thương thể thao, chấn thương chỉnh hình và vât lý trị liệu.
Trong vật lý trị liệu, sóng xung kích áp dụng cho các chứng bệnh đau cơ mạn tính, rối loạn gân xương, đau và các điểm đau chói ở cổ và lưng. So với các phương pháp vật lý truyền thống, phương pháp này thực sự có hiệu quả, rút ngắn thời gian điều trị. Các chỉ định thường gặp: đau khớp vai, viêm lồi cầu xương cánh tay, đau thắt lưng, đau gân achille, đau gân bánh chè, các điểm đau chói.
Trong chấn thương chỉnh hình, sóng xung kích điều trị các vôi hóa, đau do chồi xương, viêm gân và chậm liền xương. Sóng xung kích đã mang đến nhiều sự lựa chọn điều trị cho người bệnh thay cho việc phải phẫu thuật. Các chỉ định chính gồm: đông cứng khớp vai, viêm bao hoạt dịch vùng mấu chuyển xương đùi, gai xương gót, bệnh lý gân achille, viêm lồi cầu xương cánh tay.
Trong lĩnh vực thể thao, sóng xung kích chỉ định điều trị các căng cơ, đau khớp háng, đau vùng xương bánh chè, đau lưng, bệnh lý gân achille do tác dụng giảm đau nhanh, kích thích lành thương và tái tạo tổ chức.

Hình ảnh mổ tả đầu tạo sóng xung kích

3. Nguyên lý, tác dụng của sóng xung kích
3.1. Nguyên lý tạo sóng xung kích

Có rất nhiều nguyên lý tạo sóng xung kích như nguyên lý điện từ trường, nguyên lý thủy điện, nguyên lý áp điện và nguyên lý khí nén. Trong các thiết bị vật lý trị liệu hiện nay thường sử dụng nguyên lý khí nén. Viên đạn được gia tốc bằng áp lực khí nén (5-10m/s), giảm tốc đột ngột do va chạm với khối chất rắn, động năng của viên đạn truyền qua khối va chạm truyền vào mô tại điểm tiếp xúc, từ đó truyền phân kỳ như sóng áp suất dạng tỏa tròn (Radial shockwave therapy). Do đó về bản chất đây là phương pháp điều trị sóng áp suất.
 Người ta sử dụng sóng âm có năng lượng cao này tác động vào các điểm đau, mô xơ hoặc cơ xương bị tổn thương. Năng lượng sóng âm kích thích lành thương, tái tạo gân và mô mềm, giảm đau.
3.2. Tác dụng sinh học của sóng xung kích
- Kích thích quá trình sửa chữa và tái tạo mô:
+ Tăng cường sản xuất collagen tạo thuận lợi cho quá trình sửa chữa các cấu trúc bị hư hỏng của hệ cơ xương và dây chằng.
+ Cải thiện chuyển hóa và vi tuần hoàn: sóng xung kích kích thích quá trình tái tạo mạch máu, hình thành mạch máu mới, cải thiện tình trạng cấp máu tại khu vực tổn thương tạo thuận lợi cho quá trình tái tạo lại mô.

Hình ảnh minh họa tác dụng của sóng xung kích lên mô cơ

- Giảm đau do giảm căng cơ, ức chế sự co thắt; tăng cường phân tán chất P (chất trung gian dẫn truyền đau).
- Phục hồi vận động do làm tan sự vôi hóa của các nguyên bào sợi.
II. Chỉ định và chống chỉ định
1. Chỉ định:

- Viêm cân gan chân.
- Viêm gân achille.
- Gai xương gót.
- Tình trạng viêm, can xi hóa của gân vùng khớp vai.
- Viêm lồi cầu xương cánh tay.
- Viêm gân bánh chè.
- Hội chứng đau xương bánh chè, đau cơ chày trước.
- Đau vùng khớp háng và dải chậu chày.
- Đau vùng khớp cùng chậu.
- Đau vùng gân khoeo chân.
- Hội chứng ống cổ tay.
- Đau do các chồi xương khớp nhỏ bàn tay.
- Điểm đau chói.
- Căng dãn/co thắt cơ cấp tính sau hoạt động thể thao.
2. Chống chỉ định
- Có nguy cơ chảy máu: chấn thương cấp, rối loạn đông máu.
- U ác tính.
- Nhiễm trùng, sưng, viêm cấp, vết thương hở.
- Đầu xương đang phát triển ở trẻ em.
- Thiếu máu cục bộ.
- Sử dụng corticoid.
- Có thai.
3. Tác dụng phụ
- Xuất huyết dưới da tại vùng điều trị.
- Đau tăng.
- Sưng nề.
Các tác dụng phụ này nói chung ít gặp. Xuất huyết dưới da nhỏ và nhẹ, tự hồi phục. Thường gặp nhiều hơn là đau tăng sau điều trị, tác dụng phụ này đa số không cần điều trị bổ sung. Nếu cần thiết có thể cho bệnh nhân chườm đá tại chỗ. Tác dụng sưng nề hiếm khi xảy ra, nếu có thường liên quan đến những vấn đề chống chỉ định mà người thầy thuốc không chú ý đến.
4. Điểm cần lưu ý
- Trong tuần đầu sau điều trị bệnh nhân cần tránh những hoạt động quá mức gây kích thích, căng kéo nhiều vùng điều trị.
- Không điều trị đồng thời với corticoid.
III. Kết luận
- Điều trị đau bằng sóng xung kích là phương pháp điều trị không xâm nhập (non-invasive). Quy trình điều trị đã được xác định, đạt tiêu chuẩn Quốc tế (ISO, IEC, EN, MDD).
- Tác dụng giảm đau nhanh chóng và hiệu quả.
- Là phương pháp lựa chọn cho các bệnh lý cơ xương khớp mạn tính. 

Tìm hiểu về Máy điều trị bằng sóng xung kích

Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi cho chúng tôi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN